Đầu năm 2015 là năm mà một số luật, thông tư, nghị định liên quan đến môi trường được thay thế bởi luật, thông tư nghị định mới. đế các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất phải có biện pháp giảm thiểu các tác động tại nguồn phát sinh trong quá trình hoạt động.
Ngành công nghiệp dệt nhuộm là một trong những ngành có bề dày truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành dệt nhuộm với khâu nhuộm và hoàn tất vải của mình đã và đang là một nguồn gây ô nhiễm môi trường khá mạnh cả về lượng cũng như về chất. Ước tính lượng nước thải thải ra từ các công đoạn nhuộm vải rất lớn, từ 120-300 m3/tấn vải
Nước thải ngành nhuộm rất đa dạng và phức tạp. Theo tính toán các hóa chất sử dụng trong công đoạn nhuộm như: phẩm nhuộm, chất hoạt động bề mặt, chất điện ly, chất ngấm, chất tạo môi trường, hồ, men, chất oxy hóa…Có hàng trăm loại hoá chất đặc trưng, nhiều loại hóa chất này hòa tan dưới dạng ion cùng với các kim loại nặng đã làm tăng thêm tính độc hại của nước thải ngành nhuộm làm ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người.
Bộ tài nguyên và môi trường đã đưa ra Quy chuẩn xả thải mới nhất riêng cho ngành dệt nhuộm: QCVN 13-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
QCVN 13-MT : 2015/BTNMT
- QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
- VỀ NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP DỆT NHUỘM
National technical regulation on the effluent of textile industry
HÀ NỘI – 2015 Lời nói đầu
QCVN 13-MT:2015/BTNMT do Tổ soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm biên soạn, sửa đổi QCVN 13:2008/BTNMT; Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 13/2015/TT-BTNMT ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP DỆT NHUỘM
National technical regulation on the effluent of textile industry
- QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
1.2. Đối tượng áp dụng
1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng riêng cho nước thải công nghiệp dệt nhuộm. Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp dệt nhuộm ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.
1.2.2. Nước thải công nghiệp dệt nhuộm xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.
1.3. Giải thích thuật ngữ
Trong Quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Nước thải công nghiệp dệt nhuộm là nước thải công nghiệp thải ra từ nhà máy, cơ sở sử dụng quy trình công nghệ gia công ướt để sản xuất ra các sản phẩm dệt may.
1.3.2. Cơ sở mới là nhà máy, cơ sở dệt nhuộm hoạt động sản xuất sau ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành, bao gồm cả các cơ sở đang trong quá trình xây dựng và đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành.
1.3.3. Cơ sở đang hoạt động là nhà máy, cơ sở dệt nhuộm hoạt động sản xuất trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành.
1.3.4. Nguồn tiếp nhận nước thải là hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; hồ, ao, đầm; vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định.
- QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải
2.1.1. Giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải được tính theo công thức sau:
Cmax = C x Kq x Kf
Trong đó:
– Cmax là giá trị tối đa cho phép của thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
– C là giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải dệt nhuộm quy định tại mục 2.2.
– Kq là hệ số nguồn tiếp nhận nước thải quy định tại mục 2.3 ứng với lưu lượng dòng chảy của sông, suối, khe, rạch; kênh, mương; dung tích của hồ, ao, đầm; mục đích sử dụng của vùng nước biển ven bờ.
– Kf là hệ số lưu lượng nguồn thải quy định tại mục 2.4 ứng với tổng lưu lượng nước thải dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
2.1.2. Áp dụng giá trị tối đa cho phép Cmax = C (không áp dụng hệ số Kq và Kf) đối với các thông số: Nhiệt độ, pH.
2.1.3. Nước thải công nghiệp dệt nhuộm xả ra hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì áp dụng giá trị Cmax = C quy định tại cột B, Bảng 1.
2.2. Giá trị C làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm Bảng 1: Giá trị C để làm cơ sở tính giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm
TT | Thông số | Đơn vị | Giá trị C | ||
A | B | ||||
1 | Nhiệt độ | 0C | 40 | 40 | |
2 | pH | – | 6-9 | 5,5-9 | |
3 | Độ màu (pH = 7) | Cơ sở mới | Pt-Co | 50 | 150 |
Cơ sở đang hoạt động | Pt-Co | 75 | 200 | ||
4 | BOD5 ở 200C | mg/l | 30 | 50 | |
5 | COD | Cơ sở mới | mg/l | 75 | 150 |
Cơ sở đang hoạt động | mg/l | 100 | 200 | ||
6 | Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) | mg/l | 50 | 100 | |
7 | Xyanua | mg/l | 0,07 | 0,1 | |
8 | Clo dư | mg/l | 1 | 2 | |
9 | Crôm VI (Cr6+) | mg/l | 0,05 | 0,10 | |
10 | Tổng các chất hoạt động bề mặt | mg/l | 5 | 10 |
Cột A Bảng 1 quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt;
Cột B Bảng 1 quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt;
Mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận nước thải được xác định tại khu vực tiếp nhận nước thải.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, áp dụng giá trị quy định cho cơ sở mới đối với tất cả các cơ sở dệt nhuộm.
2.3. Hệ số nguồn tiếp nhận nước thải Kq
2.3.1. Hệ số Kq ứng với lưu lượng dòng chảy của sông, suối, khe, rạch; kênh, mương được quy định tại Bảng 2 dưới đây:
Bảng 2: Hệ số Kq ứng với lưu lượng dòng chảy của nguồn tiếp nhận nước thải
Lưu lượng dòng chảy của nguồn tiếp nhận nước thải (Q) Đơn vị tính: mét khối/giây (m3/s) | Hệ số Kq | |
Q <= 50 | 0,9 | |
50 < Q <= 200 | 1 | |
200 < Q <= 500 | 1,1 | |
Q > 500 | 1,2 |
Q được tính theo giá trị trung bình lưu lượng dòng chảy của nguồn tiếp nhận nước thải 03 tháng khô kiệt nhất trong 03 năm liên tiếp (số liệu của cơ quan Khí tượng Thuỷ văn).
2.3.2. Hệ số Kq ứng với dung tích của nguồn tiếp nhận nước thải là hồ, ao, đầm được quy định tại Bảng 3 dưới đây:
Bảng 3: Hệ số Kq ứng với dung tích của nguồn tiếp nhận nước thải
Dung tích nguồn tiếp nhận nước thải (V) Đơn vị tính: mét khối (m3) | Hệ số Kq |
V ≤ 10 x 106 | 0,6 |
10 x 106 < V ≤ 100 x 106 | 0,8 |
V > 100 x 106 | 1,0 |
V được tính theo giá trị trung bình dung tích của hồ, ao, đầm tiếp nhận nước thải 03 tháng khô kiệt nhất trong 03 năm liên tiếp (số liệu của cơ quan Khí tượng Thuỷ văn).
2.3.3. Khi nguồn tiếp nhận nước thải không có số liệu về lưu lượng dòng chảy của sông, suối, khe, rạch, kênh, mương thì áp dụng giá trị hệ số Kq = 0,9; nguồn tiếp nhận nước thải là hồ, ao, đầm không có số liệu về dung tích thì áp dụng giá trị hệ số Kq = 0,6.
2.3.4. Hệ số Kq đối với nguồn tiếp nhận nước thải là vùng nước biển ven bờ, đầm phá nước mặn và nước lợ ven biển.
Vùng nước biển ven bờ dùng cho mục đích bảo vệ thuỷ sinh, thể thao và giải trí dưới nước, đầm phá nước mặn và nước lợ ven biển áp dụng giá trị hệ số Kq = 1.
Vùng nước biển ven bờ không dùng cho mục đích bảo vệ thuỷ sinh, thể thao hoặc giải trí dưới nước áp dụng giá trị hệ số Kq = 1,3.
2.4. Hệ số lưu lượng nguồn thải Kf
Hệ số lưu lượng nguồn thải Kf được quy định tại Bảng 4 dưới đây: Bảng 4: Hệ số lưu lượng nguồn thải Kf
Lưu lượng nguồn thải (F) Đơn vị tính: mét khối/ngày đêm (m3/24h) | Hệ số Kf |
F ≤ 50 | 1,2 |
50 < F ≤ 500 | 1,1 |
500 < F ≤ 5.000 | 1,0 |
F > 5.000 | 0,9 |
Lưu lượng nguồn thải F được tính theo lưu lượng thải lớn nhất nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, hoặc Giấy xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Khi lưu lượng nguồn thải F thay đổi, không còn phù hợp với giá trị hệ số Kf đang áp dụng, cơ sở dệt nhuộm phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh hệ số Kf.
- PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH
3.1. Phương pháp lấy mẫu và xác định giá trị các thông số trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm thực hiện theo các tiêu chuẩn sau đây:
TT | Thông số | Phương pháp phân tích, số hiệu tiêu chuẩn | |
1 | Lấy mẫu | – TCVN 6663-1:2011 (ISO 5667-1:2006), Chất lượng nước – Phần 1: Hướng dẫn lập chương trình lấy mẫu và kỹ thuật lấy mẫu; – TCVN 6663-3:2008 (ISO 5667-3: 2003), Chất lượng nước – Lấy mẫu. Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu; – TCVN 5999:1995 (ISO 5667-10: 1992), Chất lượng nước – Lấy mẫu. Hướng dẫn lấy mẫu nước thải. | |
2 | Nhiệt độ | – TCVN 4557:1998 , Nước thải – Phương pháp xác định nhiệt độ; – SMEWW 2550.B – Phương pháp chuẩn phân tích nước và nước thải – Xác định nhiệt độ. | |
3 | pH | – TCVN 6492:2011 (ISO 10523:2008), Chất lượng nước – Xác định pH. | |
4 | Độ màu | – TCVN 6185: 2008, Chất lượng nước – Kiểm tra và xác định độ màu. | |
5 | BOD5 (20oC) | – TCVN 6001-1:2008 (ISO 5815-1:2003), Chất lượng nước – Xác định nhu cầu oxy sinh hóa sau n ngày (BODn) – Phần 1: Phương pháp pha loãng và cấy có bổ sung allylthiourea; – TCVN 6001-2:2008 (ISO 5815-2:2003), Chất lượng nước – Xác định nhu cầu oxy sinh hóa sau n ngày (BODn) – Phần 2: Phương pháp dùng cho mẫu không pha loãng; – SMEWW 5210 B – Phương pháp chuẩn phân tích nước và nước thải – Xác định BOD. | |
6 | COD | – TCVN 6491:1999 (ISO 6060:1989), Chất lượng nước – Xác định nhu cầu oxy hoá học (COD); – SMEWW 5220 – Phương pháp chuẩn phân tích nước và nước thải – Xác định COD. | |
7 | Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) | – TCVN 6625:2000 (ISO 11923:1997), Chất lượng nước – Xác định chất rắn lơ lửng bằng cách lọc qua cái lọc sợi thuỷ tinh; – SMEWW 2540 – Phương pháp chuẩn phân tích nước và nước thải – Xác định chất rắn lơ lửng. | |
8 | Xyanua | – TCVN 6181:1996 (ISO 6703-1:1984), Chất lượng nước – Xác định Xyanua tổng; – SMEWW 4500-CN – – Phương pháp chuẩn phân tích nước và nước thải – Xác định Xyanua. | |
9 | Clo | – TCVN 6225-3:2011 (ISO 7393-3:1990), Chất lượng nước – Xác định clo tự do và clo tổng số. Phần 3 – Phương pháp chuẩn độ iot xác định clo tổng số. | |
10 | Crom (VI) | – TCVN 6658: 2000, Chất lượng nước – Xác định crom (VI) – Phương pháp đo phổ dùng 1,5 – diphenylcacbazid; – SMEWW 3500-Cr.B – Phương pháp chuẩn phân tích nước và nước thải – Xác định crôm. | |
11 | Chất hoạt động bề mặt | – TCVN 6622-1:2009, Chất lượng nước – Xác định chất hoạt động bề mặt – Phần 1: xác định chất hoạt động bề mặt anion bằng phương pháp đo phổ metylen xanh. |
3.2. Chấp nhận các phương pháp phân tích hướng dẫn trong các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế khác có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các tiêu chuẩn viện dẫn ở mục 3.1.
- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1. Quy chuẩn này áp dụng thay thế QCVN 13:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt may ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4.2. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn này.
4.3. Trường hợp các tiêu chuẩn về phương pháp phân tích viện dẫn trong quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo tiêu chuẩn mới.